Kỹ thuật chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm

0210.246.9999  TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH SẢN VÀ NAM HỌC

Đường Nguyễn Tất Thành - P. Nông Trang - TP. Việt Trì - Phú Thọ
Trang chủ/Tin tức sự kiên/Kỹ thuật chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm

Bác Sĩ Tư Vấn

tuvan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Mọi thắc mắc cần tư vấn vui lòng nhấn vào nút bên dưới hoặc gọi đến số điện thoại 0210 246 9999

Tư Vấn Ngay

Kỹ thuật chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm

13/07/2021 - 11:04

Chuyển phôi là một bước cuối cùng trong phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Chuyển phôi là một kỹ thuật quan trọng đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế, yêu cầu bác sĩ phải được đào tạo và có kinh nghiệm.

Sau khi chọc trứng ra, noãn sẽ được thụ tinh với tinh trùng để tạo thành phôi, phôi có thể nuôi lên đến ngày 3 hoặc ngày 5 sau đó chuyển trở lại buồng tử cung của người mẹ ở ngay chu kỳ lấy trứng (chuyển phôi tươi) hoặc trữ đông rồi chuyển lại buồng tử cung ở những chu  kỳ sau đó (chuyển phôi trữ đông).

Với chuyển phôi tươi bạn sẽ được dùng thuốc Progesteron từ ngày chọc hút noãn, sau 3 hoặc 5 ngày sẽ đến để chuyển phôi trở lại buồng tử cung và tiếp tục duy trì thuốc theo hướng dẫn. Số phôi dư còn lại sẽ được đông lại để chuyển ở những lần sau.

Với chuyển phôi trữ đông việc chuyển phôi thực hiện vào trong khoảng ngày 18 đến ngày 20 của chu kỳ kinh khi niêm mạc tử cung người mẹ có độ dày đạt chuẩn (thường 8 – 12mm) và sức khỏe người mẹ sẵn sàng cho việc mang thai.

Quy trình chuyển phôi

1. Trước chuyển phôi (với chuyển phôi trữ đông)

Chuẩn bị niêm mạc tử cung

Bệnh nhân đến khám vào ngày 2 của chu kỳ kinh, bác sĩ sẽ siêu âm để đánh giá lại tử cung và buồng trứng. Nếu siêu âm bình thường thì Estrogen được bắt đầu sử dụng vào ngày 2 chu kỳ kinh, sau đó hẹn khám lại vào ngày 10 của chu kỳ.

Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống, nhiều trường hợp có thể chỉ định tiêm, đặt âm đạo hoặc dán qua da

Tác dụng của Estrogen nhằm kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung, ức chế sự rụng trứng tự nhiên.

Tại ngày 10 chu kỳ kinh bác sĩ sẽ đánh giá lại độ dày và hình thái niêm mạc tử cung cũng như hai buồng trứng từ đó có thể điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp và hẹn ngày đến khám lại, thông thường là sau 3 -5 ngày.

Sử dụng progesterone

Khi nội mạc tử cung đạt độ dày thích hợp (8 – 12mm), bạn bắt đầu sử dụng Progesterone nhằm chuyển pha niêm mạc tạo điều kiện thích hợp cho sự làm tổ của phôi.

Progesterone được khuyên dùng đặt âm đạo vì sẽ có tác dụng trực tiếp đến tử cung. Ngoài ra bác sĩ có thể bổ sung thêm đường uống hoặc tiêm.

Sử dụng Progesterone trước chuyển phôi 3 - 5 ngày  tùy giai đoạn của phôi trữ.

Chuẩn bị phôi

Sau thời gian sử dụng Estrogen và Progesterone, người phụ nữ được kiểm tra xác định niêm mạc tử cung, tình trạng sức khỏe đã đủ điều kiện để chuyển phôi hay mang thai chưa. Trong trường hợp, người phụ nữ có thể chuyển phôi trong chu kỳ này, bác sĩ sẽ tư vấn và thống nhất với bệnh nhân ngày chuyển phôi, chất lượng phôi, số lượng phôi chuyển đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất và hạn chế tối đa nguy cơ đa thai.

2. Chuyển phôi

Bệnh nhân đến đúng giờ theo hẹn (thường là đến trước giờ chuyển phôi 1 tiếng) bệnh nhân sẽ được truyền thuốc giảm co bóp tử cung, nhịn tiểu, được nằm trên bàn chuyển phôi ở tư thế sản khoa.

Bệnh nhân được điều dưỡng viên và chuyên viên phôi đối chiếu lại thông tin người bệnh với thông tin phôi để đảm bảo chắc chắn chính xác, không có nhầm lẫn. Điều dưỡng viên mang găng tay vô khuẩn sau đó vệ sinh tử cung người phụ nữ bằng cách đặt mỏ vịt, lau cổ tử cung bằng tăm bông và môi trường nuôi cấy IVF.

Bác sĩ phụ siêu âm đường bụng giúp bác sĩ chuyển phôi quan sát được niêm mạc tử cung, cổ tử cung, tư thế tử cung. Bác sĩ chuyển phôi đưa Catheter ngoài qua lỗ trong cổ tử cung.

Chuyên viên phôi cho bệnh nhân nhìn để xác định lại thông tin của mình và thông tin phôi trên màn hình. Khi bệnh nhân xác nhận đúng thông tin chuyên viên phôi sẽ phóng to hình ảnh phôi để bệnh nhân xác nhận số lượng chuyển. Sau đó phôi sẽ được hút vào catheter và chuyển cho bác sĩ.

Bác sĩ chuyển phôi đưa nhẹ nhàng catheter trong có chứa phôi qua catheter ngoài để vào buồng tử cung. Bơm từ từ phôi vào buồng tử cung cách đáy tử cung.

Catheter trong được rút ra sau đó và được bác sĩ nuôi cấy phôi kiểm tra độ sạch của catheter (có nhầy, có máu hoặc sót phôi). Cuối cùng, bác sĩ chuyển phôi rút catheter ngoài, tháo mỏ vịt và hoàn tất quy trình chuyển phôi.

embryo-transfer-treatment-services-500x500

3. Sau chuyển phôi

Sau chuyển phôi Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ bạn sẽ được điều dưỡng chuẩn bị một bát cháo cá chép thơm ngon giúp bạn ấm tử cung và mang đến may mắn. Sau khi nghỉ ngơi 2-3 tiếng bạn có thể về nhà.

Bạn được kê thuốc uống/ thuốc đặt sử dụng trong 14 ngày sau chuyển phôi. Lưu ý, bạn nên tuân thủ quy định dùng thuốc mà điều dưỡng viên hướng dẫn (đúng giờ, đúng liều, đúng đường dùng). Và không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khác khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên môn kể cả thuốc bổ, thuốc nam, thuốc bắc…

Bạn nên đi lại nhẹ nhàng, hạn chế đi cầu thang, vận động mạnh, tập thể dục thể thao. Tuy nhiên cũng không nên nằm bất động vì có thể sẽ làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

 

Khi gặp các dấu hiệu bất thường như: ra máu âm đạo, đau bụng, sốt, táo bón, bí tiểu… hãy gặp bác sĩ để điều trị để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp, kịp thời.

TS.BS. Đoàn Xuân Kiên

Liên hệ

TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH SẢN VÀ NAM HỌC - BỆNH VIỆN SẢN NHI PHÚ THỌ

 Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành -  Nông Trang - TP Việt Trì - Phú Thọ

 Điện thoại:0210 246 9999

Email:[email protected] 

Website:www.ivfphutho.com

Bản đồ

Facebook

TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH SẢN VÀ NAM HỌC - BỆNH VIỆN SẢN NHI TỈNH PHÚ THỌ - THẤU HIỂU, TẬN TÂM, ƯƠM MẦM HẠNH PHÚC