HỖ TRỢ PHÔI THOÁT MÀNG
KS. Lương Văn Chiến
1. Hiện tượng phôi thoát màng là gì?
Phôi được bao bọc màng trong suốt, tên khoa học là zona pellucida/ZP. Màng trong suốt có chiều dày 13 - 15 µm, được tạo thành bởi một phức hợp glycoprotein do tế bào trứng tiết ra. Màng trong suốt đóng vai trò quan trọng trong cơ chế thụ tinh, phát triển của phôi giai đoạn tiền làm tổ và bảo vệ phôi trong quá trình di chuyển từ vòi tử cung vào buồng tử cung để làm tổ. Tuy nhiên, hiện tượng làm tổ chỉ xảy ra khi phôi thoát ra được khỏi lớp màng trong suốt. Hiện tượng này được gọi là phôi thoát màng.
Hiện tượng phôi thoát màng thường xảy ra vào ngày thứ 5 và 6 sau thụ tinh. Trong quá trình này, màng trong suốt bị phá vỡ do:
- Sự phân giải protein do các protease được tiết ra từ phôi (các nguyên bào lá nuôi) hoặc từ tử cung.
- Do giãn nở vật lý của khối phôi làm giảm độ dày của màng trong suốt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, độ dày và đàn hồi của màng trong suốt là yếu tố cơ bản để phôi thoát màng thành công và là điều kiện tiên quyết cho phôi làm tổ.
Tuy nhiên, màng trong suốt có thể bị cứng, giảm đàn hồi do hệ quả của quá trình nuôi cấy và đông lạnh phôi. Vì vậy, việc chủ động tạo một lỗ trên màng trong suốt có thể giúp tăng tỷ lệ đậu thai phôi thoát màng. Mặt khác, hỗ trợ phôi thoát màng tạo ra một điểm làm mỏng trên màng trong suốt, từ đó phôi dễ hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng từ môi trường. Những chất này cần cho sự phát triển của phôi và hình thành phôi nang.
2. Các phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng(Assisted hatching – AH)
Hiện nay, có 4 phương pháp được sử dụng chủ yếu trong AH gồm:
- Phương pháp cơ học
- Phương pháp hóa học
- Làm mỏng màng trong suốt bằng men protease
- Phương pháp laser
Tùy điều kiện của mỗi trung tâm như thiết bị, hóa chất, tay nghề nhân viên, độ khó của phương pháp... mà mỗi trung tâm có thể chọn cho mình phương pháp phù hợp mà không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng còn phụ thuộc vào điều kiện trang thiết bị và trình độ chuyên môn. Tại trung tâm Hỗ trợ sinh sản và nam học - Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, chúng tôi áp dụng hỗ trợ phôi thoát màng bằng tia laser cho tất cả các trường hợp bởi ưu điểm vượt trội của phương pháp này.
3. Vai trò của hỗ trợ phôi thoát màng (AH) trong điều trị IVF
Nghiên cứu trên 415 chu kỳ chuyển phôi trữ của những bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần có và không có AH phôi ngày 3 cho thấy kết cục điều trị ở nhóm có AH như tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ sinh sống cao hơn đáng kể so với nhóm không AH. Ngoài ra tỉ lệ đa thai ở nhóm AH cũng tìm thấy là cao hơn so với nhóm không AH. Một nghiên cứu khác trên nhóm bệnh nhân lớn tuổi thực hiện chuyển phôi ngày 3 trong chu kỳ chuyển phôi trữ cho thấy ở nhóm bệnh nhân chuyển phôi được hỗ trợ thoát màng bằng laser có tỉ lệ thai lâm sàng cao hơn nhóm bệnh nhân chuyển phôi không được hỗ trợ (33,3% so với 27,4%). Ở những bệnh nhân lớn tuổi (>38 tuổi), AH giúp tăng đáng kể tỉ lệ mang thai (18,36% với 11,36%) và tỉ lệ mang thai chỉ tăng nhẹ (28.4% với 23.6%) ở bệnh nhân dưới 37 tuổi. Một nghiên cứu khác thực hiện với cỡ mẫu lớn cho thấy AH có thể tác động đến tỉ lệ sinh sống của tất cả các bệnh nhân mà đặc biệt là bệnh nhân tiên lượng kém trong chu kỳ chuyển phôi tươi.
4. Kết luận
Thoát màng là hiện tượng cần thiết, quyết định sự thành công trong quá trình làm tổ của phôi từ đó quyết định sự thành công trong mang thai tự nhiên hay điều trị IVF. Hỗ trợ thoát màng nhằm giúp phôi dễ dàng thoát ra khỏi màng ZP trong điều kiện nuôi cấy in vitro. Hiện nay có nhiều phương pháp được sử dụng để hỗ trợ thoát màng nhưng laser là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất vì những ưu điểm mà nó mang lại như đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng, ít tác động đến phôi.